Điều lệ Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hoà 12/06/2024   151

ĐIỀU LỆ HIỆP HỘI DU LỊCH NHA TRANG - KHÁNH HÒA (SỬA ĐỔI, BỔ SUNG)

(Phê duyệt kèm theo Quyết định số 1173/QĐ-CTUBND, Ngày 13 tháng 5 năm 2015 của UBND tỉnh Khánh Hòa )

* * * * * *

CHƯƠNG I: NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Tên và pháp nhân của hội:

1-/ Tên gọi: Hiệp hội Du lịch Nha Trang – Khánh Hòa,

Viết tắt: Hiệp hội Du lịch Khánh Hòa

Tên giao dịch: Nha Trang - Khanh Hoa Tourism Association

Tên viết tắt : KHATA

Biểu trưng:  (logo)

2-/ Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng (đồngViệt Nam và ngoại tệ).

3-/ Trụ sở chính của Hiệp hội đặt tại 61 Yersin- Nha Trang.

4-/ Trang thông tin điện tử      

Điều 2. Tôn chỉ, mục đích, nguyên tắc hoạt động của Hiệp hội:

Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa (sau đây gọi tắt là Hiệp hội) là một tổ chức xã hội – nghề nghiệp tự nguyện của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và các cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt động trọng lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa và là thành viên của Hiệp hội Du lịch Việt Nam .
Mục đích của Hiệp hội là liên kết, hợp tác, hỗ trợ nhau về kinh tế- kỹ thuật trong bình ổn thị trường, trong kinh doanh, dịch vụ, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, tăng khả năng cạnh tranh của Hội viên trên thị trường trong nước và ngoài nước. Đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Hội viên, cùng nhau góp sức phấn đấu cho sự nghiệp phát triển của ngành du lịch Khánh Hòa .
Điều 3. Phạm vi hoạt động của Hiệp hội

Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa hoạt động trong phạm vi tỉnh Khánh Hòa theo pháp luật của Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam và theo Điều lệ này. Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa chịu sự quản lý của UBND  mà Hiệp Hội hoạt động.

CHƯƠNG II: NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA HIỆP HỘI

Điều 4. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hiệp hội:
1-/ Nhiệm vụ của Hiệp hội:

1.1. Tuyên truyền, vận động để Hội viên hiểu rõ đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước và của ngành Du lịch về xây dựng, phát triển Du lịch.

1.2. Đại diện cho Hội viên đóng góp ý kiến với nhà nước về chủ trương, chính sách, biện pháp khuyến khích, tạo diều kiện phát triển ngành Du lịch; bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của Hội viên, giải quyết các trường hợp, vụ việc gây thiệt hại đến quyền lợi của ngành và của Hội viên theo thẩm quyền của Hiệp hội; thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước theo quy định của pháp luật.

1.3. Động viên sự nhiệt tình và khả năng sáng tạo của Hội viên. Hợp tác, hỗ trợ giúp đỡ nhau về kinh tế - kỹ thuật trong hoạt động kinh doanh du lịch trên cơ sở trao đổi kinh nghiệm, phổ biến và ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến; đoàn kết giúp đỡ nhau trong khó khăn.

1.4. Hỗ trợ tư vấn cho các tổ chức và Hội viên của Hiệp hội trong quá trình sắp xếp lại tổ chức. Cung cấp thông tin về kinh tế, thị trường liên quan đến du lịch đề Hội viên tổ chức kinh doanh đạt hiệu quả và phát triển bền vững.

1.5. Phối hợp với các tổ chức liên quan trong tỉnh nhằm thực hiện tôn chỉ, mục đích của Hiệp hội.

2-/ Quyền hạn của Hiệp hội:

2.1. Tổ chức các hội nghị, hội thảo trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp, khuyến khích hợp tác, liên kết giữa các Hội viên để nâng cao chất lượng hoạt động du lịch.

2.2. Tổ chức các hoạt động đào tạo, dịch vụ, tư vấn và  tham gia tổ chức các hoạt động khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ này.

2.3. Phát triển Hội viên, xây dựng cơ sở vật chất, xây dựng và phát triển các mối quan hệ của Hiệp hội với các tổ chức, cá nhân trong tỉnh theo quy định của pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, uy tín và vị thế của Hiệp hội.

2.4. Tham gia chương trình, dự án , đề tài nghiên cứu, tư vấn, phản biện và giám định xã hội theo đề nghị của cơ quan Nhà nước hoặc do tổ chức Quốc tế tài trợ theo quy định của pháp luật.

2.5. Xây dụng và phát triển các mối quan hệ quốc tế với các cá nhân và tổ chức quốc tế trong khu vực Đông Nam Á và các nước trên thế giới theo quy định của pháp luật.

2.6. Thành lập các Trung tâm dịch vụ, tư vấn, các cơ quan nghiên cứu, đào tạo, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ... trực thuộc Hiệp hội hoạt động theo quy định của pháp luật.

2.7. Xuất bản ấn phẩm, các tài liệu tuyên truyền, quảng bá du lịch, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của ngành du lịch về Xây dựng, phát triển du lịch, phổ biến kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý, kinh doanh theo quy định của pháp luật.

2.8. Thực hiện các quyền hạn khác của tổ chức Hiệp hội theo quy định của pháp luật.

CHƯƠNG III: VỀ HỘI VIÊN

Điều 5. Hội viên:

Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa là thành viên của Hiệp hội Du lịch Việt nam, Hội viên Hiệp hội Du lịch Nha Trang- Khánh Hòa đương nhiên là Hội viên Hiệp hội Du lịch Việt Nam.
1-/ Điều kiện để trở thành hội viên:

Hội viên hoạt động trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã gia nhập Hiệp hội Du lịch Việt Nam đương nhiên là Hội viên của Hiệp hội Du lịch Nha Trang – Khánh Hòa.

a) Hội viên chính thức: Các cá nhân và tổ chức hoạt động kinh doanh hợp pháp trong các lĩnh vực du lịch, dịch vụ du lịch hoặc các tổ chức và cá nhân không trực tiếp kinh doanh trong các lĩnh vực du lịch, dịch vụ du lịch nhưng có các hoạt động liên quan, hỗ trợ cho du lịch tại Khánh Hòa, tán thành điều lệ của Hiệp hội, tự nguyện viết đơn gia nhập hội, đóng hội phí gia nhập và hội phí hàng năm đều có thể trở thành hội viên chính thức của Hiệp hội.

Người được cử thay mặt hội viên tham gia Hiệp hội phải là người đại diện có thẩm quyền của Hội viên trong đơn vị có tư cách pháp nhân. Trường hợp người cử tham gia Hiệp hội nghỉ hoặc chuyển công tác khác, thì  Hội viên là tổ chức phải cử người đại diện có thẩm quyền thay thế .

b) Hội viên liên kết: Các tổ chức và cá nhân Việt Nam và các tổ chức nước ngoài có hoạt động liên quan trực tiếp đến kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch tại Khánh Hòa đảm bảo điều kiện theo quy định tại Nghị định 45/2010/NĐ-CP, ngày 21/04/2010 tán thành Điều lệ này, tự nguyện có đơn xin gia nhập Hiệp hội, được hội công nhận là hội viên liên kết.

c) Hội viên danh dự: Những công dân, các nhà quản lý, nhà khoa học, kỹ thuật và tổ chức, pháp nhân có công lao đối với sự nghiệp phát triển Ngành nói chung và Hiệp hội nói riêng được Hiệp hội mời là Hội viên danh dự.

 2-/ Hồ sơ xin gia nhập Hiệp hội

Đơn xin gia nhập Hiệp hội (theo mẫu)
Tờ khai Hội viên (theo mẫu), kèm theo 2 ảnh (3 x 4)
Ban chấp hành ra thông báo công nhận Hội viên sau 15 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ.

Điều 6. Quyền lợi của Hội viên

1-/ Các tổ chức và cá nhân nêu trên tại khoản 1, khoản 2- Điều 5 của điều lệ này tự nguyện có đơn đăng ký tham gia Hiệp hội, được Ban chấp hành Hiệp hội (gọi tắt là Ban chấp hành) công nhận.

2-/ Được tham gia đại hội, bầu cử đại biểu tham dự đại hội của Hiệp hội, được ứng cử, đề cử và bầu cử Ban chấp hành Hiệp hội và các chức vụ khác của Hiệp hội.

3-/ Được thảo luận, biểu quyết, chất vấn mọi công việc của Hiệp hội, được kiến nghị, đề đạt ý kiến của mình với các cơ quan nhà nước thông qua Hiệp hội.

4-/ Được Hiệp hội phổ biến kinh nghiệm, bồi dưỡng nghề nghiệp, nâng cao trình độ bằng các hình thức: cung cấp thông tin, tài liệu, dự hội thảo, các lớp đào tạo, huấn luyện, trình diễn kỹ thuật, tham quan, khảo sát ở trong nước và ngoài nước khi có đa số Hội viên yêu cầu và tự nguyện đóng góp kinh phí (cộng theo các khoản tài trợ khác nếu có)

5-/ Được Hiệp hội giúp đỡ, giới thiệu các sở, ngành trong và ngoài ngành để ký kết các hợp đồng dịch vụ, chuyên gia kỹ thuật, tư vấn.

6-/ Được Hiệp hội giúp đỡ, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh trong phạm vi, quyền hạn và khả năng của Hiệp hội.

7-/ Được bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp trong hoạt động kinh doanh.

8-/ Được hưởng sự trợ giúp của các tổ chức cá nhân đối với Hiệp hội.

9-/ Được quyền ra khỏi Hiệp hội, hội viên xin rút ra khỏi Hiệp hội, phải có đơn gửi cho Ban chấp hành Hiệp hội.

10-/ Hội viên liên kết, hội viên danh dự được hưởng quyền và nghĩa vụ như hội viên chính thức của hội, trừ quyền biểu quyết các vấn đề của hội và không được bầu cử, ứng cử vào ban lãnh đạo, ban kiểm tra hội.

Điều 7. Nghĩa vụ của Hội viên:

1-/ Nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định tại điều lệ này; thực hiện nghị quyết của Hiệp hội, tuyên truyền phát triển Hội viên mới, bảo vệ uy tín của Hiệp hội, không tự ý nhân danh Hiệp hội trong các quan hệ đối ngoại khi chưa được tổ chức có thẩm quyền của Hiệp hội giao.

2-/ Tham gia các hoạt động và sinh hoạt của Hiệp hội; đoàn kết, hợp tác với các Hội viên khác để xây dựng tổ chức Hiệp hội ngày càng vững mạnh.

3-/ Cung cấp thông tin, số liệu cần thiết phục vụ cho hoạt động của Hiệp hội.

4-/ Đóng đầy đủ lệ phí gia nhập, hội phí hàng năm và các khoản khác theo quy định của Hiệp hội.

Điều 8. Chấm dứt Quyền hội viên:

1-/ Hội viên tự nguyện xin rút khỏi Hiệp hội phải có đơn gửi cho Ban chấp hành Hiệp hội.

2-/ Hội viên bị khai trừ ra khỏi Hiệp hội trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng Điều lệ Hiệp hội, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín và tài chính của Hiệp hội; Hội viên không đóng Hội phí một năm mặc dù đã được nhắc nhở.

3-/ Hội viên bị xóa tên khi bị cơ quan có thẩm quyền của nhà nước đình chỉ hoạt động, giải thể hoặc bị tuyên bố phá sản. Trường hợp bị đình chỉ tạm thời hoạt động trong một thời hạn thì quyền của Hội viên chỉ tiếp tục khi được phép hoạt động trở lại.

Ban chấp hành Hiệp hội thông báo danh sách Hội viên xin rút khỏi Hiệp hội, Hội viên bị khai trừ và Hội viên bị xóa tên cho tất cả các Hội viên khác biết.

4-/ Quyền và nghĩa vụ của Hội viên bị chấm đứt ngay sau khi Ban chấp hành Hiệp hội ra thông báo chính thức bằng văn bản.

CHƯƠNG IV: TỔ CHỨC HIỆP HỘI

Điều 9. Tổ chức Hiệp hội:

1-/ Đại hội

2-/ Ban chấp hành

3-/ Ban kiểm tra

4-/ Văn phòng Hiệp hội

5-/ Các Ban chuyên môn

6-/ Các chi hội lữ hành, khách sạn, vận chuyển, du lịch sinh thái và di tích thắng cảnh vui chơi giải trí, bơi lặn biển và các chi hội khác.

7-/ Các chi hội tại các huyện, thị xã, thành phố  gọi chung là Chi hội cấp huyện).

8-/ Các tổ chức trực thuộc khác.

Điều 10. Nguyên tắc hoạt động của Hiệp hội:

Hiệp hội Du lịch Nha Trang -Khánh Hòa được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, bình đẳng, tự trang trải về tài chính.

Các cơ quan của Hiệp hội hoạt động trên cơ sở bàn bạc dân chủ, lãnh đạo tập thể, thiểu số phục tùng đa số

Điều 11.  Đại hội toàn thể và hội nghị toàn thể hội viên:
1-/ Đại hội: là cơ quan có thẩm quyền cao nhất của Hiệp hội. Đại hội được tổ chức 5 năm một lần, Đại hội gồm đại hội toàn thể hoặc đại hội đại biểu và Đại hội bất thường. Đại hội bất thường được tổ chức khi có đề nghị của ít nhất 2/3 ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội hoặc trên ½ số Hội viên yêu cầu.

2-/ Nhiệm vụ chính của Đại hội:

Thảo luận các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ và phương hướng hoạt động mới của Hiệp hội.
Quyết định phương hướng và chương trình công tác của Hiệp hội
Kiến nghị sửa đổi, bổ sung và thông qua Điều lệ Hiệp hội (nếu có).
Thảo luận và quyết định một số vấn đề quan trọng của Hiệp hội vượt quá thẩm quyền của Ban chấp hành Hiệp hội
Thảo luận và thông qua quyết toán tài chính khóa cũ và kế hoạch tài chính khóa mới
Quyết định số lượng Phó Chủ tịch Hiệp hội và số lượng ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội
Bầu Ban chấp hành Hiệp hội
Bầu ban Kiểm tra Hiệp hội
3-/ Hội nghị toàn thể Hội viên tổ chức 1 năm 1 lần, để:

Thảo luận báo cáo Tổng kết một năm và kế hoạch công tác năm sau của Hiệp hội.
Thông qua quyết toán tài chính hàng năm và kế hoạch tài chính năm tới.
Thảo luận và biểu quyết các vấn đề do ban chấp hành, ban kiểm tra hoặc Hội viên đề xuất.
Bầu bổ sung ủy viên Ban chấp hành và uỷ viên Ban Kiểm tra (nếu thiếu).
Hội nghị toàn thể có thể được triệu tập bất thường để giải quyết những vấn đề cấp bách của Hiệp hội theo đề nghị của ít nhất 2/3 ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội trở lên, hoặc trên ½ số Hội viên yêu cầu.
4-/ Các Nghị quyết của Đại hội, Hội nghị được thông qua theo nguyên tắc đa số .

Điều 12. Ban chấp hành Hiệp hội:
1-/ Ban chấp hành Hiệp hội là cơ quan lãnh đạo của Hiệp hội giữa 2 kỳ Đại hội. Nhiệm kỳ ban chấp hành là 5 năm. Người được có cơ cấu là Tổng thư ký (hoạt động theo chế độ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm) và người đại diện cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cử sang Hiệp hội được tham gia vào Ban chấp hành Hiệp hội (nếu đủ số phiếu bầu theo quy định). Số lượng ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội do đại hội quyết định, được bầu trực tiếp bằng phiếu kín hoặc biểu quyết bằng giơ tay và phải đạt trên 50% số đại biểu dự Đại hội nhất trí.

Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội có thể được bầu lại hoặc bị miễn nhiệm trước thời hạn theo quyết định của Ban chấp hành Hiệp hội, hoặc theo đề nghị của hơn ½ số Hội viên chính thức.

Ủy viên ban Chấp hành Hiệp hội là đại diện tổ chức pháp nhân khi nghỉ công tác hoặc chuyển công tác khác sẽ được thay thế bằng một người khác của tổ chức pháp nhân đó.

2-/ Ban chấp hành Hiệp hội họp thường kỳ ít nhất 1 quý 1 lần. Ban chấp hành Hiệp hội bầu Ban thường trực gồm: Chủ tịch Hiệp hội, các Phó Chủ tịch Hiệp hội và Tổng thư ký Hiệp hội và các ban khác (nếu cần thiết )

3-/ Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban chấp hành Hiệp hội:

Quyết định các biện pháp thực hiện nghị quyết, chương trình hoạt động nhiệm kỳ của Đại hội;
Quyết định chương trình, kế hoạch công tác hàng năm và thông báo kết quả hoạt động của Ban chấp hành Hiệp hội cho các Hội viên biết.
Phê duyệt kế hoạch và quyết toán tài chính hàng năm.
Quy định tổ chức và hoạt động các Ban chuyên môn, Văn phòng Hiệp hội, Văn phòng đại diện của Hiệp hội tại các khu vực, quy định các nguyên tắc, chế độ, sử dụng và quản lý tài sản, tài chính của Hiệp hội.
Bầu cử và bãi nhiệm chức danh lãnh đạo của Hiệp hội: Chủ tịch, Phó chủ tịch và Tổng thư ký, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban kiểm tra
Cử Trưởng ban chuyên môn và Trưởng đại diện của Hiệp hội ở các khu vực (nếu có)
Thông qua nội dung, chương trình nghị sự và tài liệu trình đại hội, Hội nghị toàn thể Hội viên.
Quyết định triệu tập Đại hội nhiệm kỳ nghị sự và tài liệu trình đại hội, Hội nghị toàn thể Hội viên
Quyết định triệu tập Đại hội nhiệm kỳ hoặc Hội nghị đại biểu hàng năm
Xét kết nạp, khai trừ hội viên.
Điều 13. Ban thường trực

Ban thường trực do Ban chấp hành hiệp thương bầu ra, chỉ đạo, điều hành hoạt động của Hiệp hội giữa 2 kỳ họp Ban chấp hành. Ban thường trực gồm Chủ tịch , các phó chủ tịch và Tổng thư ký

 1-/ Nhiệm vụ của Ban thường trực:

Điều hành công việc thường trực của Hiệp hội.
Theo dõi, đôn đốc thực hiện Nghị quyết của Đại hội toàn thể Hội viên Hiệp hội, hội nghị thường niên hàng năm của Hiệp hội và Ban chấp hành.
Giữ mối quan hệ chặt chẽ với các hội viên, các thành viên Ban chấp hành.
Thay mặt Hiệp hội và ban chấp hành giao tiếp đối nội và đối ngoại.
Đảm nhiệm công tác nghiệp vụ, hành chính, quản trị tài chính của Hiệp hội.
Ban thường trực Hiệp hội một tháng họp một lần hoặc tổ chức họp bất thường theo yêu cầu của Chủ tịch Hiệp hội..
Giúp việc cho Ban thường trực là Ban thư ký do Tổng thư ký phụ trách.
2-/ Chủ tịch Hiệp hội:

Là người quản lý, điều hành toàn bộ hoạt động của Hiệp hội, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết của Đại hội; của Hội nghị toàn thể Hội viên và các Nghị quyết, Quyết định của Ban chấp hành Hiệp hội
Là đại diện theo pháp luật của Hiệp hội – là Chủ Tài khoản của Hiệp hội.
Triệu tập và chủ trì các cuộc họp của Ban chấp hành Hiệp hội, Hội nghị toàn thể hoặc đại biểu Hội viên
Trực tiếp chỉ đạo Tổng thư ký Hiệp hội;
Phê duyệt nhân sự văn phòng Hiệp hội và các tổ chức khác do Hiệp hội thành lập.
Chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước cơ quan quản lý nhà nước về Du lịch, trước Ban chấp Hiệp hội và toàn thể Hội viên về các hoạt động của Hiệp hội.
3-/ Các Phó chủ tịch Hiệp hội:

Là người thực hiện nhiệm vụ cụ thể được Chủ tịch và Ban chấp hành Hiệp hội phân công. Điều hành công việc của Ban chấp hành Hiệp hội khi được Chủ tịch Hiệp hội ủy quyền. Số lượng Phó Chủ tịch do Đại hội quyết định.
4. Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội:

Là người điều hành trực tiếp mọi hoạt động của Văn phòng Hiệp hội, chịu trách nhiệm trước chủ tịch Hiệp hội, trước Ban chấp hành Hiệp hội và trước pháp luật về mọi hoạt động của Hiệp hội;
Xây dựng quy chế hoạt động của Văn phòng Hiệp hội quy chế quản lý tài chính, tài sản của Hiệp hội trình Ban chấp hành Hiệp hội phê duyệt;
Định kỳ báo cáo cho Ban chấp hành Hiệp hội về các hoạt động của Hiệp hội
Lập báo cáo hàng năm, báo cáo nhiệm kỳ của Ban chấp hành Hiệp hội.
Quản lý danh sách, hồ sơ và tài liệu của Hiệp hội và các tổ chức trực thuộc Hiệp hội.
Chuẩn bị danh sách, hồ sơ và tài liệu của Hiệp hội và tổ chức trực thuộc Hiệp hội;
Thực hiện các công việc do Chủ tịch Hiệp hội ủy quyền
Là chủ tài khoản thứ 2 được ủy quyền
Điều 14. Văn phòng Hiệp hội:

1-/ Văn phòng Hiệp hội được tổ chức và hoạt động theo quy chế do Tổng thư ký trình Ban chấp hành Hiệp hội phê duyệt.

2-/ Các nhân viên của Văn phòng Hiệp hội được tuyển dụng và làm việc theo chế độ hợp đồng có thời hạn do Tổng thư ký phê duyệt

3-/ Kinh phí hoạt động của Văn phòng do Tổng thư ký dự trù trình Ban chấp hành Hiệp hội duyệt.

Điều 15 – Ban kiểm tra Hiệp hội:

1-/ Ban kiểm tra do đại hội toàn thể Hiệp hội trực tiếp bầu ra. Số lượng ủy viên Ban Kiểm tra do Đại hội quyết đinh. Ban kiểm tra hoạt động theo quy chế được Đại hội thông qua.

2-/ Trưởng Ban kiểm tra Xây dựng quy chế hoạt động cụ thể theo quy chế chung của Ban kiểm tra mà Đại hội đã thông qua và chịu trách nhiệm trước Đại hội về hoạt động của Ban Kiểm tra.

3-/ Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban kiểm tra:

a) Kiểm tra, giám sát việc thực hiện Điều lệ  Hiệp hội, Nghị quyết đại hội, Nghị quyết , quyết định của Ban chấp hành, Ban thường vụ, các quy chế của Hội trong hoạt động của các tổ chức, đơn vị trực thuộc Hội, hội viên;

b) Xem xét, giải quyết đơn, thư, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của tổ chức, hội viên và công dân gửi đến Hội.

Điều 16. Chi hội:

Hiệp hội có thể thành lập các Chi hội trực thuộc hoạt động theo chuyên đề lữ hành, khách sạn, vận chuyển, bơi lặn,…Chi hội có nhiệm vụ đôn đốc hội viên thực hiện các quy định theo điều lệ của Hiệp hội.

Chi hội tổ chức Hội nghị toàn thể Hội viên mỗi năm 1 lần để bầu Chi hội trưởng. Đánh giá tình hình hoạt động, thông qua quyết toán tài chính năm trước về kế hoạch tài chính năm tới của Chi hội.

CHƯƠNG V: TÀI CHÍNH, TÀI SẢN CỦA HIỆP HỘI
Điều 17. Nguồn thu của Hiệp hội:

1-/ Hội phí của Hội viên đóng góp theo quy định như sau:

Các doanh nghiệp, đơn vị, khách sạn đạt tiêu chuẩn đến 1 sao và tương đương: 2.000.000 đồng/ năm
Các doanh nghiệp, đơn vị, khách sạn và tương đương từ 2 sao đến 3 sao: 3.000.000 đồng/ 1 năm
Các doanh nghiệp, đơn vị, khách sạn và tương đương  từ 4 sao đến 5 sao: 5.000.000 đồng/ năm
2-/ Tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật;

3-/ Các khoản thu hợp pháp khác.

Điều 18. Các khoản chi của Hiệp hội:

Chi theo các quy chế quản lý tài chính, tài sản của Hiệp hội như trả lương và các chế độ về bảo hiểm cho nhân viên, bồi dưỡng cộng tác viên, cơ sở vật chất kỹ thuật, giao tiếp, từ thiện và các khoản chi hợp pháp khác do Ban chấp hành Hiệp hội quyết định.

Điều 19. Quản lý, sử dụng tài chính và tài sản của Hiệp hội:

1-/ Ban chấp hành Hiệp hội quy định việc quản lý, sử dụng tài chính và tài sản của Hiệp hội phù hợp với quy định Nhà nước.

2-/ Ban Kiểm tra có trách nhiệm kiểm tra và báo cáo tài chính, tài sản công khai hàng năm cho hội viên biết.

CHƯƠNG VI: KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT

Điều 20. Khen thưởng:

Những hội viên, Ủy viên ban chấp hành Hiệp hội, Ban kiểm tra, cán bộ, nhân viên của Hiệp hội có nhiều thành tích đóng góp vào sự phát triển của Hiệp hội và sự phát triển ngành Du lịch, được Hiệp hội khen thưởng hoặc đề nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khen thưởng.

Điều 21. Kỷ luật:

Hội viên, ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội, Ban kiểm tra, cán bộ, nhân viên của Hiệp hội hoạt động trái với Điều lệ, Nghị quyết của Hiệp hội, làm tổn hại đến uy tín, danh dự của Hiệp hộ, bỏ sinh hoạt thường kỳ nhiều lần không có lý do chính đáng, không đóng hội phí ba năm, sẽ tùy mức độ mà phê bình, khiển trách, cảnh cáo, xóa tên trong danh sách Hội viên hoặc đề nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

CHƯƠNG VII: ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 22. Sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hiệp hội:

Điều lệ Hiệp hội phải được UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt và phù hợp với Điều lệ của Hiệp hội Du lịch Việt Nam.

Việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ phải được Đại hội toàn thể hội viên Hiệp hội Du lịch Khánh Hòa nhất trí kiến nghị và quyết định sửa đổi và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt mới có giá trị thực hiện.

Điều 23. Hiệu lực thi hành Điều lệ Hiệp hội:

Bản điều lệ sửa đổi này gồm có 7 chương, 23 điều, đã được Đại hội nhiệm kỳ V (2019-2024) Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa nhất trí thông qua ngày ... tháng ... năm 2019 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày được ủy ban nhân dân tỉnh  Khánh Hòa phê duyệt.

Bản điều lệ sẽ không còn hiệu lực khi Hiệp hội ngừng hoạt động hoặc giải thể.

CHỦ TỊCH

 
>